Tâm điểm
Hồ Quốc Tuấn

"Lời nguyền tuổi 35"

"Nhiều nhà tuyển dụng không muốn tuyển ứng viên sau 35 tuổi. Họ cho rằng ở độ tuổi đó, người lao động phải có kỹ năng quản lý hoặc đã có thành tựu rồi. Liệu đi xin việc ở tuổi này có phải là thất bại?" Tôi đọc được đoạn này trên một bài viết của báo Dân Trí vào một ngày Chủ nhật trước lễ 30/4. Và rồi thì truyền hình VTV cũng làm một phóng sự "Sau 30 tuổi phải nộp đơn xin việc, liệu có là thất bại?" Trước đó nữa là một bài viết trên mạng xã hội về chủ đề tương tự gây ra nhiều tranh cãi (nơi mà mọi người quyết bảo vệ quan điểm của mình và chỉ trích phe còn lại hơn là tranh luận tìm câu trả lời).

Những tranh cãi này phần lớn phản ánh trải nghiệm và góc nhìn khác nhau của nhiều người trong xã hội, và như nhà kinh tế học Daron Acemoglu đã từng có lần mô hình hóa trong một mô hình toán kinh tế: họ sẽ không bao giờ đồng ý với nhau nếu họ có trải nghiệm và thiên kiến trước đó khác nhau, bất kể những lập luận và sự thật được đưa ra là gì.

Có nhiều góc nhìn khái quát hóa câu chuyện rộng ra, chẳng hạn như nỗi lo về các mẩu tin tuyển dụng giới hạn độ tuổi của ứng viên và được cho là có sự kỳ thị về tuổi tác, hiện tượng phân biệt tuổi tác trên thị trường lao động, sự kỳ thị người già, chê bai giới trẻ Gen Z trong một bộ phận hiện nay trong xã hội v.v.

Lời nguyền tuổi 35 - 1

Sau 30 tuổi phải nộp đơn xin việc, liệu có là thất bại? (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Ở góc nhìn của mình, tôi nhận ra một vài vấn đề khác. Thứ nhất, câu chuyện này khiến truyền thông và mạng xã hội dậy sóng vì nó "đụng tới quá nhiều người" (mượn lời của một người bạn làm kinh doanh của tôi). Có nghĩa là rất nhiều người đang phải xoay xở tìm kiếm việc làm ở độ tuổi 30, 35 hay sau đó.

Những người này có thể đang có nỗi lo, đã hoặc đang trải nghiệm việc đó, nên đã nổi giận với người viết bài trên mạng xã hội. Cũng có người thấy tình trạng đó là bình thường, nghĩa là xung quanh có nhiều người 35 tuổi kiếm việc nên cho rằng đó không phải là thất bại.

Cái "bình thường" đó là đáng chú ý về mặt chính sách vĩ mô cũng như đối với mọi tầng lớp trong xã hội, và nó đang trở thành vấn đề ở nhiều nước chứ không chỉ là vấn đề Việt Nam đối mặt. Ở Trung Quốc, "lời nguyền tuổi 35" đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. "Lời nguyền tuổi 35" là thuật ngữ xuất hiện gần đây trên thị trường việc làm Trung Quốc, ngầm ý những người từ 35 tuổi trở lên bị coi là quá già với các nhà tuyển dụng.

Một nghiên cứu do Đại học Tứ Xuyên thực hiện cho thấy trong số 300.000 tin tuyển dụng, hơn 80% ở Thượng Hải và hơn 70% ở thành phố Thành Đô tìm kiếm những ứng viên dưới 35 tuổi. Còn theo Nikkei Asia trong năm ngoái thì rất nhiều công ty Trung Quốc đã sa thải các lao động ở độ tuổi 30-40 để thay thế bằng những nhân viên ngoài 20 do họ có sức khỏe tốt hơn, chấp nhận mức lương thấp hơn và được cho là có ý chí cầu tiến hơn.

Từ 2021 đến nay, nhiều báo cáo thường kỳ của World Bank và IMF đã nêu vấn đề về sự thay đổi trong dân số học trên thị trường lao động đặt ra nhiều thách thức đến tăng trưởng kinh tế. Một bài viết gần đây trên trang của IMF nêu vấn đề là "cổ tức dân số học" đang dần biến mất, dân số đang dần già đi, và tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động đang đạt đỉnh và đi xuống.

Xu thế trên nếu tiếp tục xấu đi sẽ tác động đến các nền kinh tế ở Mỹ Latinh, châu Âu và châu Á nơi cơ cấu dân số đang có sự thay đổi lớn. Và sự nổi lên của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), xu thế cắt giảm nhân sự hàng loạt trên toàn cầu đang đe dọa thêm việc làm của những người lao động ở độ tuổi trung niên.

Những diễn biến và phân tích này cho thấy đằng sau những tranh cãi về câu chuyện "Sau 30 tuổi phải nộp đơn xin việc, liệu có là thất bại?" có thể là một cơn sóng ngầm lớn hơn về rủi ro "lời nguyền tuổi 35" sẽ diễn ra ở Việt Nam.

Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào?

Về mặt vĩ mô, khuyến nghị của IMF đối với tình trạng này rất đơn giản (nhưng cũng không dễ làm) "thúc đẩy người dân tham gia vào thị trường lao động", đặc biệt là với nhóm người trung niên trở lên và phụ nữ - những nhóm được cho là có nhiều trở ngại trong việc tham gia vào thị trường lao động do nhiều lý do khác nhau.

Nâng cao kỹ năng hiện có và tái đào tạo nghề, sử dụng chính sách khuyến khích qua an sinh xã hội phù hợp như hỗ trợ điều kiện chăm sóc con cái là những khuyến nghị chính sách cụ thể. Các cơ quan chính sách cần nhận ra rủi ro về "lời nguyền tuổi 35" và khuyến nghị của IMF để có những điều chỉnh phù hợp. Không chỉ khuyến khích những người này tham gia vào lực lượng lao động, mà chính sách còn phải đảm bảo rằng năng suất lao động của họ được nâng cao hơn qua đào tạo các kỹ năng mới và nâng cao kỹ năng hiện có.

Lời nguyền tuổi 35 - 2

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại một sự kiện về tuyển dụng (Ảnh: Xuân Trường).

Đó là về mặt vĩ mô. Về mặt xã hội, nên có một cái nhìn bao dung hơn với tình hình "bình thường mới", khi người lao động trên 35 tuổi tìm việc hay đổi việc. Ví dụ, không nên đặt câu hỏi hay ngầm ý đổi việc tuổi 35 là "thất bại". Thật ra, rất khó định nghĩa "thất bại" ở đây là gì? Nó cũng khó như định nghĩa "thành công" và "hạnh phúc" vậy, mỗi người có một thang đo riêng cho mình.

Ngoài ra, có những ngành nghề trong xã hội hiện đại mà tuổi 30 hay 35 tìm việc là bình thường. Ví dụ, một số nghề nghiệp đòi hỏi thời gian đào tạo dài, 30 tuổi mới coi như là "hết tập sự" như ngành giảng viên đại học cần tiến sĩ hoặc bác sĩ.

Hoặc một số ngành sẽ có đổi việc sau một thời gian làm việc ở công ty lớn, ví dụ ngành phân tích tài chính, kế toán, kiểm toán, tư vấn, .v.v Sau khi đủ kinh nghiệm, những nhân sự trong ngành này sẽ chọn lĩnh vực khác (đôi khi là nhiều tiền, làm ít giờ hơn) như quản lý quỹ đầu tư, đổi qua làm kế toán doanh nghiệp từ Big 4 (4 công ty lớn trong ngành kiểm toán), về doanh nghiệp làm quản lý thay vì làm tư vấn, .v.v Hoặc với những đợt sa thải cả trăm nghìn người trong ngành công nghệ 2 năm qua, thì chuyện nghỉ việc rồi đổi việc là bình thường.

Lại có những người đâu phải người ta muốn đổi việc hay bị mất việc ở tuổi 35, nhưng vì thay đổi của công nghệ, của nền kinh tế, thì họ bị buộc phải làm vậy. Nếu như họ vẫn đi tìm việc, thì là điều đáng khâm phục chứ có gì đâu mà thất bại?

Thời thế thay đổi, thị trường việc làm như thế, chứ không phải là hoàn toàn lỗi của người phải đi kiếm việc tuổi 30 hay 35 để mà phán xét. Nói cách khác, không có nghĩa là cứ lớn tuổi, phải tìm việc thì là đều "thất bại".

Một số trường hợp may mắn thì đó còn là điều tốt. Trong chuỗi bài về thị trường lao động thời sa thải hàng loạt trong năm ngoái trên tờ Financial Times, tôi có đọc được một vài câu chuyện kể về những người may mắn bị sa thải khỏi một ngành "ngon lành" ở London hay Paris, đi về một vùng quê hẻo lánh nhận việc, làm cho một công ty nhỏ, nhưng rồi lại phát triển lên vị trí lãnh đạo ở đó nhờ áp dụng những mối quan hệ và kinh nghiệm, kỹ năng trước đó vào công việc mới, và có mức lương mà nếu ở lại trong công ty ở Paris và London nhiều năm sau cũng "không thể mơ tới". Bạn tôi ở Anh cũng có một người gần như vậy, về một vùng nông thôn ở Anh nhưng lại đang giúp điều hành một công ty nông sản gia đình khá thành công, nhờ những kiến thức về công nghệ và marketing trong thời còn làm ở một công ty trên London.

Những câu chuyện đó có thể chỉ là vài ví dụ tươi sáng nhỏ trong một bức tranh có thể nói là tương đối không lạc quan của thị trường lao động toàn cầu, mà điểm tối là những câu chuyện về lời nguyền tuổi 35 của Trung Quốc. Nhưng nó cũng cho thấy cho thấy mấy chuyện như về quê, đổi việc tuổi hơn 35 chưa hẳn là xấu với tất cả. Nếu như trên vùng mặn người ta vẫn trồng được cây ăn quả cho trái ngọt, thì không có gì phải quá bi quan.

Thay vì nghĩ tới "lời nguyền tuổi 35", hãy nhớ về câu chuyện "trái ngọt trên vùng mặn" để mà thanh thản hơn khi nghĩ tới chuyện tìm việc của người lao động không còn trẻ.

Tác giả: Ông Hồ Quốc Tuấn, tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, hiện là Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh. Trước đó ông là Kinh tế trưởng và chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ 2008 đến 2012. Ông Tuấn cũng từng công tác ở Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Eximbank Việt Nam và là giảng viên của Đại học Kinh Tế TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!